• :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa học - công nghệ phải là động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tại Phú Yên, những thành tựu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN&ĐMST) trên tất cả lĩnh vực ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí người dân.

 

Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú (thứ hai từ trái sang) giới thiệu các sản phẩm KH-CN cho lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành. Ảnh: LỆ VĂN

Giám đốc Sở KH&CN Dương Bình Phú (thứ hai từ trái sang) giới thiệu các sản phẩm KH-CN cho lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành. Ảnh: LỆ VĂN

Trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên, ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết năm 2024, hoạt động KH-CN sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, các ứng dụng KH-CN&ĐMST phải là động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

* Thưa ông, ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được trên lĩnh vực KH-CN&ĐMST ở Phú Yên trong thời gian qua?

- Thời gian qua, hoạt động KH-CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống.

Trong đó, việc hợp tác, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị KH-CN&ĐMST ngày càng rõ nét, như: Chương trình phối hợp, hợp tác về KH-CN&ĐMST giữa tỉnh Phú Yên với Bộ KH&CN từ năm 2021 đến nay, đã triển khai 6 nhiệm vụ cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh, đề xuất đặt hàng 4 nhiệm vụ tham gia các chương trình quốc gia giải quyết các vấn đề KH-CN cấp thiết của tỉnh.

Trước đó, Bộ KH&CN cũng đã triển khai 17 nhiệm vụ cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh và ứng dụng vào thực tiễn 26 quy trình nuôi trồng, sản xuất; 63 mô hình thực tế; 2 bộ cơ sở dữ liệu và các giải pháp phục vụ dự án phát triển kinh tế ven biển; giám sát chất lượng nước nuôi trồng thủy sản...

Các nhiệm vụ thuộc chương trình KH-CN và nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia tập trung vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề bức thiết của địa phương như: Giải pháp xử lý ô nhiễm và quản lý môi trường vùng nuôi tôm hùm lồng bè tập trung; nghiên cứu phát triển và ứng dụng hệ thống quan trắc tự động, cảnh báo môi trường nuôi tôm hùm; cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện Đề án thành lập công viên địa chất toàn cầu hướng đến công viên địa chất toàn cầu UNESCO…

Đối với chương trình hỗ trợ ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội miền núi và dân tộc, các nhiệm vụ tập trung hỗ trợ chuyển giao quy trình, tạo ra mô hình tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, như: Trồng cây ba kích, nuôi chim yến, nhân giống và trồng thâm canh chuối theo quy mô công nghiệp, sản xuất bắp và ủ thức ăn từ bắp, sản xuất giống và nuôi hàu Thái Bình Dương, ương nuôi cá chình hoa, sản xuất cua lột theo chuỗi từ sản xuất giống, ương nuôi cua nguyên liệu đến sản xuất thương phẩm…

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cùng cán bộ Viện Thổ nhưỡng nông hóa tiến hành lấy mẫu đất tại huyện Tuy An để xây dựng bản đồ số đất nông nghiệp. Ảnh: LỆ VĂN

* Những kết quả đó có tác động như thế nào đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

- Kết quả triển khai, thực hiện các đề tài, dự án khoa học, đặc biệt là các dự án xây dựng, nhân rộng mô hình nông, lâm nghiệp cũng như chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đã đưa nhanh những tiến bộ kỹ thuật mới, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có thương hiệu, góp phần tác động tích cực, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân trên địa bàn.

Ngoài ra, trong những năm qua, chương trình KH-CN tuy chưa xây dựng thành chương trình riêng phục vụ xây dựng nông thôn mới nhưng việc lựa chọn các nhiệm vụ KH-CN phục vụ chuyển giao các tiến bộ KH-CN; hỗ trợ xây dựng các mô hình nông, lâm nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản và thực hiện trên địa bàn nông thôn trong tỉnh đã gián tiếp góp phần xây dựng nông thôn mới.

* Thưa ông, để mang lại những giá trị cao hơn nữa, ngành KH-CN Phú Yên cần thêm những điều kiện gì?

- Chúng tôi cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để tạo liên kết, gắn kết với các nhà khoa học - nhà trường - nhà doanh nghiệp - nhà đầu tư - người dân; nhất là cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH-CN với chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đổi mới phương thức xây dựng, thực hiện và quản lý các nhiệm vụ KH-CN, phân loại có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp. Hoạt động nghiên cứu khoa học rất cần sự đổi mới từ chính sách và cơ chế quản lý tài chính phù hợp theo hướng khoán đến sản phẩm cuối cùng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, đồng thời có chính sách khuyến khích thích đáng trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần dần hình thành thị trường KH-CN. Song song với đó là giảm thiểu các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy trình liên quan đến doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách.

* Mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đối với hoạt động KH-CN của tỉnh Phú Yên trong năm 2024 là gì, thưa ông?

- Năm 2024, mục tiêu mà ngành KH-CN đặt ra là tiếp tục thực hiện hoàn thành Kế hoạch 209 của UBND tỉnh và Nghị quyết 11 ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh gắn với Quy hoạch tỉnh Phú Yên. Chiến lược KH-CN&ĐMST đảm bảo hiệu quả.

Trong đó, chúng tôi tập trung vào các nhiệm vụ như: Tham mưu đổi mới cơ chế chính sách; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai nhiệm vụ KH-CN; tăng cường công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, thông tin KH-CN, an toàn bức xạ hạt nhân và sáng kiến cấp tỉnh; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, rào cản ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp...

Năm 2024, tỉnh tiếp tục tổ chức lựa chọn các nhiệm vụ KH-CN theo hướng trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KH-CN phục vụ trực tiếp cho sản xuất nói chung và nông nghiệp nói riêng, phát triển nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong sản xuất kinh doanh, ưu tiên kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành việc thực hiện các quy định của Nhà nước về chất lượng hàng hóa, bảo đảm đo lường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

* Xin cảm ơn ông!

Trong giai đoạn 2021-2023, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ Phú Yên triển khai 6 nhiệm vụ cấp quốc gia với tổng kinh phí thực hiện 45,72 tỉ đồng, trong đó vốn trung ương hỗ trợ 27,9 tỉ đồng.

VĂN TÀI (thc hin)

 


Nguồn:Báo Phú yên Online Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN