A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ - 70 năm nhìn lại

(ĐCSVN) – Hội thảo khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với dân tộc ta mà còn mang ý nghĩa quốc tế và thời đại rất sâu sắc. Từ chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, một dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc dấy lên mạnh mẽ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ- Latinh làm sụp đổ từng bước, tiến tới sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa mà chủ nghĩa thực dân đã nỗ lực xây dựng trên khắp thế giới trong suốt gần 5 thế kỷ”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu khai mạc Hội thảo.

Sáng 06/5, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ- 70 năm nhìn lại (1954 - 2024)”.

Hội thảo có sự tham gia của Trung tướng Thái Đại Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; đại diện Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; đại diện một số ngành, đơn vị có liên quan thuộc TP Đà Nẵng; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị khu vực III, các trường Chính trị, trường Đại hoc tại các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên…

Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của Đại tá Hoàng Ngánh, nguyên Trợ lý tác chiến, Cục Phòng không lục quân, từng là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Thông tin tại Hội thảo nhấn mạnh: Cách đây tròn 70 năm, trên cánh đồng Mường Thanh thuộc tỉnh Điện Biên, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Một đội quân "đầu trần, chân đất, súng thô" đã đánh bại đội quân nhà nghề với xe tăng, đại bác, máy bay hiện đại ngay tại tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương và được mệnh danh là "Pháo đài bất khả xâm phạm" của thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Quang cảnh Hội thảo.

Trước những bước phiêu lưu quân sự của thực dân Pháp khi chúng chọn lựa và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm khổng lồ, tháng 12/1953, Bộ Chính trị đã họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và xác định đây là một trận chiến có quy mô lớn nhất từ trước tới nay đối với quân và dân Việt Nam. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy Trung ương đã quyết định tập trung 04 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 người. Đồng thời, cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. 

Trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ đã diễn ra từ ngày 13/3 đến ngày  01/5/1954 và được chia làm 3 đợt. Trải qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 

Theo đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước, của tinh thần quyết chiến, quyết thắng và trí tuệ Việt Nam được kết tinh và biểu hiện tập trung trong đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ, của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; là thành quả của sự hợp lực và phát huy cao độ truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; là minh chứng sống động về tinh thần đoàn kết chiến đấu tại ba mặt trận của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; đồng thời còn là thành quả của sự giúp đỡ quan trọng, sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế. 

Khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội thảo nhận định: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ (ngày 21/7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đánh dấu một bước ngoặt mới trên con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, đó là: Chấm dứt ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp trên cả nước ta, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên CNXH, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Trên bình diện quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam là đòn đầu tiên giáng vào chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, là tiếng chuông báo hiệu sự mở đầu của thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần làm suy yếu thêm một bước chủ nghĩa đế quốc và là nguồn động lực cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - Latinh đứng lên đấu tranh chống đế quốc để tự giải phóng, tự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm với Đại tá Hoàng Ngánh, một chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.

“Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với dân tộc ta mà còn mang ý nghĩa quốc tế và thời đại rất sâu sắc. Từ chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam - một dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc dấy lên mạnh mẽ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ - Latinh làm sụp đổ từng bước, tiến tới sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa mà chủ nghĩa thực dân đã nỗ lực xây dựng trên khắp thế giới trong suốt gần 5 thế kỷ. Đánh giá về thắng lợi Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã"! - Đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III khẳng định và cho biết thêm: Sau một ngày giành thắng lợi tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 08/5/1954, Hội nghị Giơnevơ bàn về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được mở ra và đi đến ký kết Hiệp định vào ngày 21/7/1954, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. 

Với Hiệp định Giơnevơ, Chính phủ Pháp và các nước tham gia dự Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Quân đội Liên hiệp Pháp phải rút khỏi Đông Dương, chấm đứt ách đô hộ kéo dài hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững mạnh cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc sau này. 

“70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ và những kết quả mà chúng ta đạt được khi tham gia đàm phán và ký kết hiệp định Giơnevơ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ - 70 năm nhìn lại (1954 - 2024)” nhằm nhìn nhận, đánh giá, khẳng định những thắng lợi của 2 sự kiện lịch sử này và rút ra bài học đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay có ý nghĩa lịch sử và thực tiễn rất sâu sắc”- Hội thảo nhận định. 

 Đại tá Hoàng Ngánh, nguyên Trợ lý tác chiến Cục Phòng không lục quân, Bộ Quốc phòng, nguyên là chiến sĩ Đại hội 505, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 phát biểu tại Hội thảo.

Trước đó, trong suốt nội dung Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận, tham luận; đặc biệt ý kiến và hồi tưởng của Đại tá Hoàng Ngánh, nguyên Trợ lý tác chiến Cục Phòng không lục quân, Bộ Quốc phòng, nguyên là chiến sĩ Đại hội 505, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đã góp phần làm rõ bối cảnh quốc tế và trong nước, âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954; khẳng định bản lĩnh, chủ trương độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời làm rõ vai trò, đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; phân tích, làm rõ sức mạnh của liên minh chiến đấu giữa quân và dân ba nước Đông Dương trong chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với sự giúp đỡ chí tình, vô tư, trong sáng và hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa trong chiến dịch Điện Biện Phủ; làm rõ những toan tính của các nước lớn tại Hội nghị Giơnevơ; giá trị lịch sử, pháp lý của Hiệp định; nêu bật tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với cách mạng Việt Nam và thế giới; đồng thời làm rõ những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và quá trình đàm phán, ký kết hiệp định Giơnevơ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.


Nguồn:https://dangcongsan.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu/chien-thang-dien-bien-phu-va-hiep-dinh-gionevo-70-nam-nhin-lai-664466.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN