• :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập"

Ngày 23/9/2022 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân; lãnh đạo các bộ ngành; các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước,… Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các sở ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp và điều tiết của nhà nước khi cần thiết). Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ tập trung vào các trọng tâm chỉ đạo, điều hành gồm "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, và 1 kiên quyết không". Trong đó, 4 ổn định là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Với phương châm đó, 3 Hội nghị về phát triển các loại thị trường đã được tổ chức thành công trong những tháng gần đây, gồm: thị trường bất động sản, thị trường tài chính và thị trường lao động.

Với chủ đề: "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập", Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường KH&CN. Thông qua đó để thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất biến KH&CN thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hoá, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế.

Thị trường KH&CN ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan, thị trường KH&CN bước đầu được hình thành, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với một số thị trường khác, thị trường KH&CN phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh… Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định: "Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ…". Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Quang cảnh Hội nghị

Với tinh thần đó, Hội nghị đã tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau: Thứ nhất, phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KH&CN ở nước ta hiện nay đã tương xứng với vai trò, vị trí trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa? Thứ hai, làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KH&CN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau ra sao? Tại sao kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hóa KH&CN vẫn còn rất hạn chế? Tại sao nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hoá KH&CN? Các tổ chức trung gian, môi giới đã làm tốt vai trò kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hoá KH&CN hay chưa? Hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN hiện nay ra sao, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế thế nào? Thứ ba, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN còn vướng ở đâu, mắc ở chỗ nào? Văn bản nào cần bổ sung, sửa đổi, văn bản nào cần thay thế, cấp nào là cấp có thẩm quyền? Cần có những giải pháp đột phá nào để thị trường KH&CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập trong thời gian tới?

Các ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, thị trường KH&CN nước ta đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, thể chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN từng bước được hoàn thiện. Nguồn cung hàng hóa KH&CN tăng đáng kể. Tốc độ tăng giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường bình quân hằng năm đạt 22%. Kết quả nghiên cứu của các viện, trường, nhà khoa học trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp, thị trường đón nhận. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng và được cải thiện. Các đầu mối trung gian thị trường KH&CN từng bước được hình thành với hơn 800 tổ chức, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ đã đi vào hoạt động. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh... Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng; đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm trì trệ và gây nhiều cản trở hơn cho phát triển thị trường KH&CN.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, đã phân tích, đánh giá sâu sắc về thực trạng tình hình và nguyên nhân, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường KH&CN. Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc các ý kiến, sớm hoàn thiện và trình ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp về một số định hướng, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường KH&CN.

Thủ tướng cơ bản nhất trí với các đánh giá về hạn chế của thị trường KH&CN như đã nêu trong Báo cáo của Bộ và lưu ý thêm: So với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực, thị trường KH&CN còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhiều nơi còn hình thức, thiếu thực chất. Thể chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc, nhất là trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ như hiện nay. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học còn hạn chế, làm khan hiếm nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường. Việc giao dịch mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư. Việc chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế. Các tổ chức trung gian về chuyển đổi công nghệ còn yếu về năng lực, chưa đủ uy tín và chưa có thương hiệu để thúc đẩy giao dịch công nghệ; chưa có các tổ chức trung gian chuyên ngành trong các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng. Chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước, kết nối với thị trường khu vực và quốc tế. Hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN còn yếu kém, lạc hậu, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các chủ thể tham gia. Cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật số về thị trường KH&CN chưa được đầu tư phát triển. Thủ tướng nêu rõ, những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vị trí, vai trò của thị trường KH&CN trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn chưa đầy đủ, toàn diện.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường KH&CN thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với Báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị. Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về thị trường KH&CN. Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KH&CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường KH&CN vào kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hằng năm.

Thứ hai, triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: Thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, người mua và người bán, sản xuất và tiêu dùng; Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Phát triển mạnh mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN; Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm đã được quy hoạch phê duyệt liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới; Tăng cường xúc tiến thị trường KH&CN tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đẩy mạnh tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KH&CN quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư; Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN. Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật số về thị trường KH&CN trong nước và quốc tế; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thị trường KH&CN và phát triển thị trường KH&CN. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Thứ ba, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội trong phát triển thị trường KH&CN.

Thứ tư, tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác công tư và nghiên cứu của tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Thứ sáu, xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KH&CN, thị trường KH&CN đồng bộ, toàn diện hơn nữa.

Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong công tác phát triển KH&CN nói chung và phát triển thị trường KH&CN nói riêng. Các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua hệ thống, mạng lưới của mình tham gia thiết thực, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao, công nghệ xanh cho các tổ chức, cá nhân trong nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào trong và ngoài nước; sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài, thị trường KH&CN nói riêng và nền KH&CN nói chung của nước ta sẽ có những bước phát triển mới, thiết thực, hiệu quả hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

nguồn: vista.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN