Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Người dân xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) tham quan mô hình trồng sen ứng dụng KH-CN cao. Ảnh: LỆ VĂN
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế.
Hiệu quả bước đầu
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) phối hợp với Sở KH&CN tổ chức tập huấn quy trình canh tác sen lấy hoa và sen lấy hạt, quy trình chế biến rượu sen cho 100 người dân ở xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) và xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa).
Tại các địa phương này, các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam giới thiệu các giống sen mới, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm từ sen; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật thâm canh sen cho nông dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ cây sen.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng, nông dân ở xã Hòa Tân Tây cho biết: “Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rất có ý nghĩa đối với người nông dân, nhất là trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại như hiện nay. Việc chuyển đổi phương thức sản xuất hiện đại chính là động lực quan trọng để nông dân yên tâm bám đồng và phát triển nông nghiệp hiệu quả”.
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, thời gian qua, nhiều mô hình ứng dụng KH-CN được chuyển giao cho nông dân trong tỉnh, đã tạo ra được sản phẩm sạch và an toàn như: Cà gai leo, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, ba kích tím, chuối nuôi cấy mô, nấm bào ngư xám, dưa lưới; xử lý mùi hôi trong chăn nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học PYMIC; trồng bắp sinh khối làm nguyên liệu ủ chua, chế biến làm thức ăn ủ chua cho gia súc... Từ đó tăng thu nhập cho người dân và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Sở KH&CN chuyển giao các tiến bộ KH-CN cho nông dân áp dụng vào sản xuất nông nghiệp như: Chương trình phối hợp giữa hai đơn vị về hoạt động KH-CN giai đoạn 2022-2025; hằng năm, hội nông dân các huyện, thị, thành phố phối hợp Trung tâm KH&CN Phú Yên triển khai đăng ký nhu cầu ứng dụng các tiến bộ KH-CN của nông dân; giới thiệu và chuyển giao một số kết quả ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, tham gia chương trình ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới.
Chuyển giao KH-CN cho nông dân
Theo ông Dương Bình Phú, Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội xác định: Đáp ứng nhu cầu ứng dụng các tiến bộ KH-CN của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Phú Yên là một trong những mắt xích quan trọng để góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch.
Còn Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Văn Dũng cho rằng hiện nay, khó nhất trong sản xuất sản phẩm sạch và hữu cơ là phải áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao so với phương pháp truyền thống. Tiếp theo là khó khăn về đầu ra và giá bán sản phẩm chưa cao, người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch nên người nông dân chưa yên tâm sản xuất.
“Do đó, tổ chức ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN từ khâu sản xuất đến lưu thông, phân phối sản phẩm ra thị trường, làm gia tăng giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo động lực đẩy mạnh phát triển nông sản sạch, nông sản hữu cơ; bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh trong thời gian đến”, ông Huỳnh Văn Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Công Nhật, Giám đốc Trung tâm KH&CN Phú Yên (Sở KH&CN), trước nhu cầu thị trường đang hướng đến sử dụng thực phẩm sạch, hữu cơ, thời gian đến, trung tâm tiếp tục phối hợp với hội nông dân các địa phương đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của tỉnh; tổ chức tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động người sản xuất từng bước chuyển từ dùng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, trừ cỏ và các loại hóa chất độc hại khác sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học, áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng...
“Muốn có một nền nông nghiệp hiện đại phải có những người nông dân làm chủ KH-CN. Đưa KH-CN đến với nông dân sẽ thúc đẩy ngành Nông nghiệp Phú Yên phát triển mạnh mẽ”, ông Nguyễn Công Nhật nhấn mạnh.
Người nông dân ngày càng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KH-CN, nhất là nhiều mô hình sử dụng ít vốn nhưng lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, các mô hình đã triển khai, nông dân đều hưởng lợi và được tập huấn chuyển giao KH-CN, làm cho hoạt động của hội phong phú, thiết thực hơn, sát với nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh |
VĂN TÀI