A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị trong chuyển đổi số

Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TU, ngày 21/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh. Song, để đạt mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên trở thành địa phương thuộc nhóm trung bình khá trong cả nước về chuyển đổi số, cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo TP Tuy Hòa tham quan Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Tuy Hòa (IOC). Ảnh: HÀ MY

 

Kết quả bước đầu

 

“Chi ủy Chi bộ Khu phố Lý Tự Trọng, phường 8, TP Tuy Hòa thông báo đến các đảng viên: Đảng ủy Phường 8 chỉ đạo đến ngày 31/3/2023, toàn thể đảng viên trên địa bàn phường, kể cả đảng viên 213 phải làm căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử mức độ 2. Đồng chí nào làm xong thì xác nhận ngay trong nhóm zalo này; còn nếu chưa làm thì đến ngay công an phường để làm. Qua ngày 31/3/2023, đồng chí nào không hoàn thành sẽ đánh giá đảng viên và nhận xét cán bộ 6 tháng đầu năm”.

 

Đó là thông báo của Chi ủy Chi bộ Khu phố Lý Tự Trọng, phường 8, TP Tuy Hòa gửi các đảng viên của khu phố thông qua nhóm zalo của chi bộ. Hàng tuần, chi ủy chi bộ đều cập nhật tiến độ và lịch làm CCCD, định danh điện tử tại trụ sở Công an phường 8 qua các nhóm zalo để cán bộ, đảng viên và người dân trong khu phố đến làm. Ông Huỳnh Ngọc Phê, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố, cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, ý thức chấp hành cao của cán bộ, đảng viên nên 100% cán bộ, đảng viên của khu phố Lý Tự Trọng đã làm xong CCCD và đăng ký định danh điện tử mức độ 1, 2. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chi bộ và khu phố đang tiến hành rà soát các trường hợp người dân chưa làm CCCD và định danh điện tử để vận động đến phường làm.

 

Không riêng tại Chi bộ Khu phố Lý Tự Trọng, các chi bộ trên địa bàn TP Tuy Hòa cũng đang quyết liệt triển khai, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân làm CCCD và định danh điện tử, phấn đấu đến cuối năm 2023, 80% người dân đăng ký định danh điện tử mức độ 2.

 

Đồng chí Huỳnh Lữ Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa, cho hay: Xác định việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của thành phố gắn với việc thực hiện tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu gốc, là dữ liệu quyết định để hình thành công dân số, xã hội số, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử theo Đề án 06 của Chính phủ, cho nên, Ban Thường vụ Thành ủy Tuy Hòa đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 4/5/2021 về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của thành phố giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, đơn vị cũng chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

 

“Thành phố đã đầu tư xây dựng Cổng thông tin điện tử; trang bị phòng họp trực tuyến tại Thành ủy, UBND thành phố và UBND 16 phường, xã. Hiện nay, phòng họp trực tuyến đã thực hiện trực tuyến liên thông từ trung ương đến cơ sở. Thành phố đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Tuy Hòa (IOC). Công tác xây dựng chính quyền điện tử được thành phố triển khai tích cực; hệ thống quản lý văn bản điều hành được triển khai đồng bộ, liên thông từ trung ương đến địa phương; giải pháp chữ ký số được đưa vào ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả rõ rệt. Dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử được xây dựng tương đối hoàn chỉnh và tiếp tục mở rộng; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được xây dựng... đã góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị”, đồng chí Huỳnh Lữ Tân nói.

 

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo huyện Tây Hòa kiểm tra khu vực tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính huyện Tây Hòa. Ảnh: HÀ MY

 

Xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình

 

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TU ngày 21/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Phú Yên cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, Phú Yên trở thành địa phương thuộc nhóm trung bình khá trong cả nước về chuyển đổi số; xây dựng thành công chính quyền số; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cho rằng: “Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng của tỉnh. Xét cho cùng, chuyển đổi số là phục vụ người dân. Mỗi người dân trở thành công dân số thì chuyển đổi số mới thành công. Việc này sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước”.

 

Theo đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và tập trung chỉ đạo quyết liệt, trong đó Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được xác định là mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện các mục tiêu về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện chuyển đổi số thành công, trước tiên là phải nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh về vai trò của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả hệ thống chính trị cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trong đó xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. 

 

Chuyển đổi số là giải pháp nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của tỉnh.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh


Nguồn:https://baophuyen.vn/76/298597/can-su-vao-cuoc-quyet-liet-cua-he-thong-chinh-tri-trong-chuyen-doi-so.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Hoạt động KH&CN